Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường
Năm hoàn thành: 2021
-------------------------------------
NHẬN THỨC VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TẠI NGÂN HÀNG TMCP BẢO VIỆT
Chủ nhiệm đề tài: Đặng Trung Nghĩa
Thành viên tham gia:
Ngô Ngọc Minh
Phạm Thị Tuyết Trinh
Lê Phan Khả Ái
Người hướng dẫn: ThS. Trần Lương Mộng Trinh
Tóm tắt: Với mục tiêu xem xét nhận thức về CSR dưới góc nhìn của nhân viên tại ngân hàng TMCP Bảo Việt, nghiên cứu sử dụng thang đo tâm lý xã hội đa chiều về CSR được xây dựng bởi D’Aprile, G., và Talò, C. (2013) và khảo sát trên 60 nhân viên tại ngân hàng Bảo Việt –Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy phần lớn các nhân viên có ý kiến tích cực về các hoạt động CSR của ngân hàng. Đồng thời, các yếu tố nhân chủng học như giới tính, vị trí công tác, độ tuổi, thâm niên công tác có những ảnh hưởng nhất định đến nhận thức về CSR trong ngân hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng thảo luận những lợi ích tiềm năng mà ngân hàng có thể đạt được thông qua các hoạt động CSR dựa trên cơ sở tổng hợp các tài liệu có liên quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những lợi ích đối với công tác xây dựng và ổn định nhân sự.
Mục tiêu nghiên cứu: (1) xem xét nhận thức về CSR tại ngân hàng TMCP Bảo Việt đối với các bên liên quan dưới góc nhìn của nhân viên tại ngân hàng; (2) tìm hiểu về những lợi ích tiềm năng mà ngân hàng có thể đạt được thông qua các hoạt động CSR.
Mẫu nghiên cứu: Nghiên cứu thực hiện khảo sát đối với các CBNV (bao gồm cấp nhân viên, trưởng nhóm/BP) của ngân hàng TMCP Bảo Việt tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Do hạn chế về nguồn lực cũng như thời gian nên nhóm nghiên cứu chỉ có thể tiến hành khảo sát tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một hạn chế của bài nghiên cứu. Có tổng cộng 60 phiếu khảo sát được phát đi, thu về đủ 60 phiếu. Trong đó, chỉ có 45 phiếu khảo sát hợp lệ.
Phương pháp nghiên cứu: Do những khó khăn nhất định, nhóm nghiên cứu không thể tiếp cận toàn bộ các CBNV tại Ngân hàng Bảo Việt – khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nên nhóm đã vận dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện để thu thập dữ liệu. Việc xử lý và trình bày dữ liệu được thực hiện theo phương pháp phân tích thống kê mô tả dựa trên khảo sát với thang đo Likert 5, trong đó mức 1 là hoàn toàn không đồng ý và mức 5 là hoàn toàn đồng ý. Bộ câu hỏi khảo sát được kế thừa từ kết quả nghiên cứu của D’Aprile, G., và Talò, C. (2013). Theo đó, bảng khảo sát gồm 24 câu hỏi được chia thành 3 nhóm tương ứng với 3 khía cạnh của CSR là: hành vi (Behavioral), nhận thức (Cognitive) và tình cảm (Affective). Mỗi nhóm gồm 8 câu hỏi. Kết quả xử lý dữ liệu được thực hiện bởi phần mềm Eview 10.
Kết quả nghiên cứu: Kết quả nghiên cứu này đã cho thấy các nhân viên của ngân hàng TMCP Bảo Việt – Khu vực thành phố Hồ Chí Minh có hiểu biết và nhận thức được các hoạt động CSR của ngân hàng trên các phương diện khác nhau. Điều này nói lên rằng các hoạt động CSR đã lan truyền đến được với nhân viên và mang lại những kết quả tích cực. Điều này giúp cho ngân hàng có hình ảnh tốt trong nhận thức của người lao động, từ đó góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của ngân hàng từ góc độ bên trong. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến tích cực vẫn còn những ý kiến trái chiều về các vấn đề liên quan đến hoạt động hỗ trợ phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, chính sách phát triển nhân sự, mức độ quan tâm đến các nhu cầu xã hội. Mặt khác, có sự khác biệt ý kiến giữa các nhân viên khi xét đến yếu tố giới tính, vị trí công tác, độ tuổi và thâm niên công tác. Điều này cho thấy công tác truyền thông nội bộ của ngân hàng về các hoạt động CSR chưa được đồng bộ và còn những hạn chế cần phải khắc phục, đặc biệt là về các chính sách hoạt động của ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng cần chú trọng hơn vào các hoạt động đóng góp, hỗ trợ phát triển xã hội cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này không những giúp mở rộng danh tiếng của ngân hàng mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh ổn định. Trong chính sách nhân sự, ngân hàng cần quan tâm hơn đến nhu cầu phát triển của nhân viên và hỗ trợ, khuyến khích họ phát huy sở trường của mình, từ đó có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Cuối cùng, ngân hàng nên đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển để nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của xã hội, làm cơ sở xây dựng định hướng hoạt động phù hợp và hiệu quả.
Hạn chế của nghiên cứu: Bài nghiên cứu có hai hạn chế như sau: thứ nhất là mẫu khảo sát khá nhỏ và không có tính bao quát, thứ hai là chưa có bằng chứng thực nghiệm chỉ ra mối quan hệ giữa yếu tố nhận thức về trách nhiệm xã hội và sự gắn kết của nhân viên tại ngân hàng Bảo Việt.