Kiểm toán nội bộ - Vai trò và cơ hội nghề nghiệp

line
01 tháng 06 năm 2023

Sau hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, kiểm toán độc lập phát triển rất mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng đối với xã hội, nền kinh tế. Bên cạnh kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ cũng phát triển sôi động không kém, thu hút nhiều nguồn lực và góp phần không nhỏ cho sự phát triển của doanh nghiệp trong những năm gần đây.

1. Vai trò của kiểm toán nội bộ
Ban đầu, kiểm toán nội bộ chỉ tập trung vào số liệu kế toán và chịu trách nhiệm về số liệu, thông tin trên báo cáo tài chính của công ty. Sau thời gian phát triển và cho đến ngày nay, nội dung thực hiện của kiểm toán nội bộ đã mở rộng bao gồm: kiểm toán tính hiệu quả, tính tuân thủ của mọi hoạt động, đưa ra các giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp.
Kiểm toán nội bộ hoạt động độc lập với Ban giám đốc của đơn vị, giữ vai trò quan sát viên nhằm đảm bảo các hoạt động của đơn vị hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật, quy chế công ty, đưa ra các ý kiến tư vấn cần thiết để nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Nhờ đó, Ban giám đốc cũng như Hội đồng quản trị có thể kiểm soát hoạt động, quản lý các rủi ro của công ty tốt hơn, giảm thiểu các sai sót, gian lận xảy ra trong hoạt động của đơn vị.
2. Cơ hội nghề nghiệp
Để đảm bảo thực hiện tốt vai trò của mình, các kiểm toán viên nội bộ cần thực hiện kỹ thuật kiểm tra, phân tích, đánh giá và sau đó là đưa ra các ý kiến tư vấn về tất cả các hoạt động của tổ chức, đơn vị. Do đó, kiểm toán viên nội bộ được tiếp cận với tất cả các hồ sơ, lĩnh vực hoạt động của tổ chức, nên kiểm toán viên nội bộ có được các lợi thế, kiến thức mà nhân viên ở những bộ phận khác trong tổ chức khó có được. Bên cạnh đó, các kiểm toán viên nội bộ còn rèn luyện được kỹ năng làm việc hiệu quả, chịu được áp lực cao và kỹ năng kết nối trong tổ chức, đây chính là môi trường thực hành lý tưởng để đào tạo các nhà lãnh đạo trong tương lai. 
Kiểm toán nội bộ đang trở thành xu thế và lựa chọn của nhiều người. Đây là nghề đang được rất nhiều tập đoàn lớn tuyển dụng săn đón kèm với chế độ đãi ngộ cao.
3. Các nguyên tắc nghề nghiệp và yêu cầu đối với kiểm toán viên nội bộ
Kiểm toán viên nội bộ là vị trí có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức. Do đó, các kiểm toán viên nội bộ cần phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong quá trình hành nghề.  
Theo thông tư 08/2021/TT-BTC ban hành ngày 25/01/2021 về chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ, người làm công tác kiểm toán nội bộ được kỳ vọng sẽ áp dụng và giữ vững 05 nguyên tắc đạo đức gồm: (1) Tính chính trực, (2) Tính khách quan, (3) Tính bảo mật, (4) Năng lực chuyên môn và tính thận trọng, (5) Tư cách nghề nghiệp.
Ngoài các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cần tuân thủ, để trở thành một kiểm toán viên nội bộ thành công người làm kiểm toán nội bộ cần hội tụ nhiều tố chất như tính độc lập, vững vàng kiên định, thận trọng, có tính trách nhiệm cao, khả năng quan sát, kiến thức và lý luận chặt chẽ, tư duy logic cao. 
Tóm lại, tuy các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam chưa đánh giá đúng vai trò, chức năng của việc kiểm toán nội bộ và các kiểm toán viên nội bộ và  hiện nay Việt Nam cũng chưa có tổ chức nghề nghiệp dành cho kiểm toán viên nội bộ, nhưng với xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, kiểm toán nội bộ tại Việt Nam đang ngày càng được quan tâm, đánh giá đúng vai trò và ngày càng phát triển hơn.