Trái phiếu là loại chứng khoản nợ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực chất là vay nợ, người mua trái phiếu là người cho công ty đó vay nợ, khi sở hữu trái phiếu thì người mua trở thành chủ nợ, còn công ty phát hành là con nợ.
Thông thường khi cho vay thì người cho vay phải gặp trực tiếp bên vay, xem bên vay có đáng tin cậy không, có đủ tín nhiệm để cho vay không, khoản vay có được bảo đảm bằng tài sản hay bằng các phương thức bảo đảm nào khác không…. Trong 1 số trường hợp, người cho vay và bên vay không gặp trực tiếp mà thông qua trung gian như: nhà môi giới, nhà phân phối…..
Khi khách hàng/Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng thì nhà đầu tư cho doanh nghiệp vay tiền (theo các điều kiện và điều khoản trong hợp đồng mua bán trái phiếu) chứ không phải gửi tiền vào ngân hàng (cho ngân hàng vay tiền). Trong trường hợp này, ngân hàng đóng vai trò là nhà môi giới và được hưởng hoa hồng từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Với vai trò là nhà môi giới, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng có thể sẽ có cam kết phân phối hoặc cam kết thanh toán (bảo lãnh thanh toán) trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Cam kết phân phối là việc ngân hàng cam kết/bảo đảm với doanh nghiệp phát hành sẽ bán hết trái phiếu, nếu không bán hết thì ngân hàng sẽ mua số trái phiếu còn thừa cho công ty phát hành, vì vậy thông thường các ngân hàng sẽ tìm mọi cách để bán hết trái phiếu để tránh phải mua bắt buộc. Cam kết thanh toán là việc ngân hàng cam kết với người mua trái phiếu, nếu công ty phát hành không trả được nợ cho người mua trái phiếu khi đến hạn thì ngân hàng đứng ra thanh toán (trả nợ) cho người mua (người sở hữu trái phiếu).
Hầu hết các ngân hàng môi giới bán trái phiếu chủ yếu cho khách hàng của chính ngân hàng, nhóm khách hàng này phần lớn là khách hàng có tiền gửi tại ngân hàng, đã có quan hệ nhiều năm nên tin tưởng vào ngân hàng, vì vậy khi ngân hàng môi giới bán trái phiếu doanh nghiệp thì khách hàng chỉ tin vào ngân hàng mà ít khi tìm hiểu về doanh nghiệp phát hành cũng như tìm hiểu kỹ về bản chất của trái phiếu, các điều kiện vả điều khoản trong hợp đồng mua bán trái phiếu, thậm chí nhiều khách hàng lầm tưởng rằng mình gửi tiền vào ngân hàng như gửi tiết kiệm.
Rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp là những rủi ro phát sinh từ phía doanh nghiệp phát hành, ngân hàng không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có trả được nợ (gốc, lãi) cho người mua trái phiếu hay không, trừ trường hợp ngân hàng có bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Trong trường hợp không may doanh nghiệp thua lỗ, phá sản thì người mua trái phiếu có thể mất vốn (một phần hoặc mất trắng), ngân hàng chỉ là nhà môi giới để hưởng phí/hoa hồng từ doanh nghiệp phát hành nên họ vô can, vì vậy khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng, người mua trái phiếu (nhà đầu tư) nên tìm hiểu kĩ về doanh nghiệp phát hành, loại hình trái phiếu (có bảo đảm bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng phương thức khác), đặc biệt là trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán thì sẽ an toàn hơn (các điều khoản này được thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán trái phiếu).
TS Trịnh Đoàn Tuấn Linh