Tác động của quản trị vốn lưu động đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp sản xuất được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam

line
05 tháng 03 năm 2024

Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường
Năm hoàn thành: 2023
---------------------------------------------

TÁC ĐỘNG CỦA QUẢN TRỊ VỐN LƯU ĐỘNG ĐẾN KHẢ NĂNG SINH LỜI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT ĐƯỢC NIÊM YẾT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Lê Thanh Vân
Thành viên tham gia: 
Nguyễn Thị Thanh Trúc
Phạm Thị Mỹ Tiên
Người hướng dẫn: ThS. Trần Lương Mộng Trinh

Tóm tắt: Mục đích chính của bài nghiên cứu là phân tích tác động của quản trị vốn lưu động đến khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp với mẫu nghiên cứu gồm 116 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất được niêm yết trên sàn chứng khoán tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những đánh giá sơ bộ về hiệu quả quản trị vốn lưu động cũng như khả năng sinh lời của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong giai đoạn này. Bằng phương pháp phân tích hồi quy mô hình tuyến tính trên dữ liệu bảng, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa quản trị vốn lưu động đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Cụ thể, kỳ thu tiền bình quân, kỳ luân chuyển hàng tồn kho và kỳ luân chuyển tiền mặt có tác động ngược chiều đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Trái với kỳ vọng của nhóm nghiên cứu, mối quan hệ giữa kỳ thanh toán và khả năng sinh lời của doanh nghiệp không có ý nghĩa thống kê. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả quản trị vốn lưu động nhằm nâng cao khả năng sinh lời. Nghiên cứu này là một tài liệu có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác quản trị vốn lưu động của doanh nghiệp.

Mục tiêu nghiên cứu: 
Thứ nhất, xem xét về các chính sách quản trị vốn lưu động của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất được niêm yết trên sàn chứng khoán tại Việt Nam.
Thứ hai, xem xét khả năng sinh lời của các doanh nghiệp sản xuất trong những năm gần đây, từ năm 2019 – 2022.
Thứ ba, phân tích ảnh hưởng của quản trị vốn lưu động đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp sản xuất.

Phương pháp nghiên cứu:
* Mẫu nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích trên mẫu gồm 116 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất được niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và sàn chứng khoán Hà Nội. Các doanh nghiệp được lựa chọn là những công ty cổ phần công khai báo cáo tài chính từ năm 2019 đến năm 2022 và cổ phiếu của công ty không bị hạn chế giao dịch hoặc ngừng giao dịch trong thời gian này. Các công ty trong mẫu nghiên cứu hoạt động trong nhiều ngành khác nhau như: thực phẩm, đồ uống, may mặc, hóa chất, dược phẩm, máy móc thiết bị, luyện kim, v.v.
* Dữ liệu và mô hình nghiên cứu:
Để phân tích tác động của quản trị vốn lưu động đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp sản xuất, nhóm nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán. Các số liệu báo cáo tài chính doanh nghiệp được truy suất tại trang vietstock.vn trong khoảng thời gian 4 năm, từ năm 2019 đến năm 2022, tổng cộng có 464 quan sát. Đồng thời, nhóm nghiên cứu sử dụng tốc độc tăng trưởng GDP để kiểm tra ảnh hưởng của điều kiện kinh tế đến khả năng sinh lời của công ty, số liệu này được lấy từ nguồn dữ liệu thống kê tại website của Ngân hàng thế giới. Từ các số liệu thu thập, nhóm nghiên cứu đã xử lý và trình bày dưới dạng dữ liệu bảng (panel data).
Các biến đại diện cho quản trị vốn lưu động gồm: kỳ thu tiền bình quân (ACP), kỳ thanh toán bình quân (APP), kỳ luân chuyển hàng tồn kho (AIP), chu kỳ luân chuyển tiền mặt (CCC). Ngoài ra, các biến kiểm soát như: tỷ lệ thanh khoản (CR), tỷ lệ nợ (FL), tỷ lệ tài sản cố định (FITA), tỷ lệ tăng trưởng doanh thu (SG), quy mô doanh nghiệp (SIZE) và tốc độ tăng trưởng kinh tế (g) cũng được đưa vào mô hình nghiên cứu. Khả năng sinh lời của doanh nghiệp được đại diện bởi tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA).
Với mục tiêu xem xét ảnh hưởng của quản trị vốn lưu động đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp, đồng thời trên cơ sở tham khảo các nghiên cứu trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đề xuất các mô hình như sau:
Mô hình 1:
ROAi,t = β0 + β1ACPi,t + β2CRi,t + β3FITAi,t + β4FLi,t + β5SGi,t + β6SIZEi,t 7gt + εi,t
Mô hình 2:
ROAi,t = β0 + β1AIPi,t + β2CRi,t + β3FITAi,t + β4FLi,t + β5SGi,t + β6SIZEi,t 7gt + εi,t
Mô hình 3:
ROAi,t = β0 + β1APPi,t + β2CRi,t + β3FITAi,t + β4FLi,t + β5SGi,t + β6SIZEi,t 7gt + εi,t
Mô hình 4:
ROAi,t = β0 + β1CCCi,t + β2CRi,t + β3FITAi,t + β4FLi,t + β5SGi,t + β6SIZEi,t 7gt + εi,t
Trong đó, β0 là hệ số chặn, βj là các hệ số hồi quy (j = 1, 2, 3, …, 7), e là số hạng sai số của mô hình. Ký hiệ
u i đại diện cho thứ tự của các công ty trong mẫu nghiên cứu, t là năm.

Phương pháp phân tích dữ liệu:
Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích trên dữ liệu bảng. Đầu tiên, nhóm thực hiện thống kê mô tả và ma trận tương quan đánh giá sơ bộ về dữ liệu nghiên cứu cũng như mối tương quan giữa các biến.
Kế đến, nhóm tiến hành kiểm tra đa cộng tuyến trong cho từng mô hình bằng hệ số phóng đại phương sai VIF (Variance inflation factor).
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu lần lượt chạy hồi quy cho các mô hình đã trình bày trong phần trên theo 3 phương pháp: ước lượng bình phương bé nhất gộp (Pooled Ordinary Least Squares - Pooled OLS), tác động cố định (Fixed Effect Model - FEM) và tác động ngẫu nhiên (Random Effect Model - REM). Để lựa chọn phương pháp hồi quy phù hợp nhất giữa các phương pháp này, nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm định F và kiểm định Breusch-Pagan.
Sau khi đã chọn được mô hình hồi quy phù hợp nhất, nhóm nghiên cứu tiếp tục kiểm định phương sai sai số thay đổi và tự tương quan.
Cuối cùng, nhóm thực hiện kiểm định sự phù hợp của các hệ số hồi quy trong mô hình nhằm đảm bảo các biến độc lập trong mô hình có ý nghĩa giải thích đối với biến phụ thuộc.

Kết quả nghiên cứu:
Qua kết quả tổng hợp và phân tích thống kê dữ liệu, nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của các doanh nghiệp sản xuất trung bình khoảng 7,5%. Có nghĩa là trung bình các doanh nghiệp thu được khoảng 7,5 đồng lợi nhuận trên 100 đồng vốn đầu tư.
Về chính sách quản trị vốn lưu động, đa số các doanh nghiệp đều có kỳ thu tiền bình quân dưới 100 ngày (khoảng 3 tháng). Theo đó, 53 ngày là thời gian trung bình để các doanh nghiệp thu hồi nợ từ khách hàng. Trong khi đó, họ mất trung bình khoảng 107 ngày tồn kho (hơn 3 tháng). Đặc biệt, có những công ty tồn kho trên một năm như công ty Công ty cổ phần Mirae (năm 2020). Điều này cho thấy đặc điểm chung của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam là thường bị ứ động tồn kho làm cho thời gian luân chuyển vốn lưu động kéo dài, kết quả là khả năng sinh lợi còn thấp. Xem xét kỳ thanh toán bình quân, nhóm nghiên cứu thấy yếu tố này đạt giá trị trung bình là 38 ngày, tức là thời gian các doanh nghiệp thanh toán nợ cho nhà cung cấp trung bình hơn 01 tháng. So sánh kỳ thanh toán với kỳ thu tiền, ta thấy thời gian các doanh nghiệp sản xuất bị chiếm dụng vốn bởi khách hàng nhiều hơn thời gian họ chiếm dụng vốn của nhà cung cấp. Do thời gian tồn kho kéo dài cộng với việc bị chiếm dụng vốn nên kỳ luân chuyển tiền mặt trung bình khá dài, khoảng 122 ngày. Hay nói cách khác, trung bình các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mất khoảng 4 tháng tính từ khi thanh toán tiền cho nhà cung cấp đến khi họ thu được tiền bán hàng. Điều này tạo nên áp lực tài chính rất lớn cho họ bởi họ phải tìm kiếm các nguồn tài trợ thay thế cũng như phải trả chi phí cho các khoản tài trợ này. Qua đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng chính sách quản trị vốn lưu động của các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam là chưa thực sự hiệu quả.
Bằng phương pháp phân tích hồi quy, nhóm nghiên cứu tiến hành xem xét mối liên hệ giữa quản trị vốn lưu động và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Kết quả chỉ ra rằng kỳ thu tiền, kỳ luân chuyển hàng tồn kho và lỳ luân chuyển tiền mặt có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam. Kết quả này ngụ ý rằng các doanh nghiệp cần phải cải thiện chính sách quản trị vốn lưu động thông qua việc rút ngắn kỳ thu tiền, và kỳ luân chuyển hàng tồn kho, từ đó rút ngắn kỳ luân chuyển tiền mặt. Nói cách khác, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt các khoản tín dụng và tăng cường công tác thu hồi nợ từ khách hàng. Công ty có thể đưa ra một tỷ lệ chiết khấu phù hợp để khuyến khích khách hàng thanh toán tiền sớm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xem xét lại quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải thiện năng suất sản suất của mình. Đồng thời, các kênh phân phối sản phẩm cũng cần được đánh giá lại, qua đó thay thế những kênh không hiệu quả nhằm gia tăng sản lượng bán hàng.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng sinh lời của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tỷ lệ tài sản cố định và đòn bẩy nợ. Ngược lại, quy mô doanh nghiệp có tác động tích cực đến khả năng sinh lợi.

Hạn chế của nghiên cứu:
Bài nghiên cứu chưa xét đến các chỉ tiêu sinh lời khác như tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS); và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp như tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp. Bài nghiên cứu cũng chưa đề cập đến yếu tố khác biệt ngành khi xem xét tác động của quản trị vốn lưu động. Cùng với đó, thời gian nghiên cứu còn hạn chế (2019 – 2022), đây cũng là khoảng thời gian nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nên việc đánh giá tác động của tăng trưởng kinh tế đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp có thể chưa chính xác.