Cách mạng công Nghệ 4.0 tác động như thế nào đến ngành Kế Toán – Kiểm Toán?

line
22 tháng 03 năm 2023

Cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra một kỷ nguyên công nghệ số đối với tất cả các ngành nghề, và ngành Kế Toán – Kiểm Toán cũng không ngoại lệ. Bài viết nhằm khái quát những tác động của CMCN 4.0 và chỉ ra những cơ hội – thách thức trong tương lai.

Công nghệ số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán
CMCN 4.0 mang đến nhiều nền tảng công nghệ hữu ích giúp công việc của Kế toán – Kiểm toán được hiệu quả và chính xác hơn. Các ứng dụng số phổ biến có thể kể đến như: Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big data), Trí tuệ nhân tạo (AI).

Điện toán đám mây (Cloud computing):  là mô hình cung cấp các tài nguyên máy tính cho người dùng thông qua internet. Một lợi thế quan trọng của hệ thống này là việc thông tin được cập nhật liên tục. Vì thế cho phép người dùng phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định dựa trên những thông tin mới nhất. 

Dữ liệu lớn (Big Data): Khác với mô hình xử lý dữ liệu truyền thống, công nghệ dữ liệu lớn cho phép lưu trữ không giới hạn tất cả các loại dữ liệu số từ nhiều nguồn khác nhau về một trung tâm dữ liệu và cho phép truy nhập, xử lý, trích xuất các thông tin quan trọng từ kho dữ liệu này. 

Trí tuệ nhân tạo (AI): AI có thể cho phép phân tích rộng hơn và khả năng cải tiến việc xác định xu hướng theo thời gian khi các thuật toán máy móc tự học và nhiều dữ liệu hơn. Dữ liệu lớn hơn tạo ra nhiều thông tin đầu vào về khách hàng, giá, cơ cấu chi phí, cho phép các kế toán viên, kiểm toán viên có nhiều thông tin đầu vào yếu tố tạo ra giá trị tương lai cho công ty, hơn là chỉ dựa vào kết quả thực hiện được báo cáo trong quá khứ. AI có thể làm những công việc thủ công của kế toán, kiểm toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu, tuy nhiên với các công đoạn như phân tích, xử lý tình huống thì luôn cần có sự tham gia của con người.

Những thay đổi trong ngành dưới tác động CMCN 4.0
Thứ nhất, quy trình kế toán được tự động hóa. Các phần mềm tiên tiến như Enterprise Resources Planning (ERP) giúp quy trình được thực hiện chặt chẽ, rõ ràng và xuyên suốt các phòng ban của doanh nghiệp. Từ đó số liệu kế toán cũng chính xác, đồng nhất và minh bạch trong toàn bộ công ty.

Thứ hai, quy định về kiểm soát, đối chiếu số liệu được thực hiện nghiêm ngặt. Việc áp dụng các ứng dụng kế toán giúp doanh nghiệp giảm thiểu rất nhiều sai sót đến từ con người bởi vì các phần mềm hiện đại có rất nhiều tính năng giúp ngăn chặn gian lận, đề cao tính kiểm soát chéo số liệu từ khâu này sang khâu khác.

Thứ ba, thay đổi phương thức lưu trữ chứng từ kế toán. Sự bùng nổ của CMCN 4.0, công nghệ điện toán đám mây, và dữ liệu lớn giúp thông tin được lưu trữ với khối lượng lớn một cách hệ thống và khoa học, dần loại bỏ việc lưu hồ sơ chứng từ bằng giấy dẫn đến việc hao tốn không gian không cần thiết & phức tạp trong việc tra cứu. 

Cơ hội & thách thức đối với Kế toán/Kiểm toán viên trong thời đại CMCN 4.0

* Cơ hội:
Việc ngày càng nhiều nền tảng số được đưa vào sử dụng giúp nghề kế toán xóa dần giới hạn về khoảng cách địa lý. Hay nói cách khác, một Kế toán / Kiểm toán viên tại Việt Nam có thể làm công việc này ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ngoài ra, các ứng dụng mang tính quốc tế cũng giúp Kế toán – Kiểm toán viên tiếp cận gần hơn với cách làm việc & tư duy hệ thống, từ đó mở rộng kiến thức chuyên môn.

* Thách thức:
Dưới sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, Kế toán / Kiểm toán viên hôm nay không chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, mà còn phải đảm bảo trau dồi liên tục các kỹ năng sử dụng phần mềm. Nếu không am hiểu về công nghệ số thì các Kế toán – Kiểm toán viên sẽ không thể làm chủ được công việc của mình. 
Ngoài ra, trong thời đại thông tin xuyên suốt và có tính kết nối chặt chẽ giữa các Bộ phận, Kế toán / Kiểm toán viên cũng cần phải trau dồi kỹ năng mềm như kỹ năng tuân thủ hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, … để có thể tiến xa hơn.

ThS. Phan Thị Lan Phương