Giải pháp đào tạo và giảng dạy kế toán - kiểm toán đáp ứng nhu cầu hội nhập kỷ nguyên công nghệ số

line
18 tháng 02 năm 2023

Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay bởi đây luôn được coi là dịch vụ cao cấp, đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế, tạo ra môi trường doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Để làm được điều này các cơ sở đào tạo, các trường đại học cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm sau:

Một là, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Mạnh dạn phối hợp và tăng cường hợp tác với ACCA, CPA Australia, CIMA,... để đổi mới giáo trình đào tạo. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo để người học thông qua chương trình này sẽ có được những kiến thức vừa có tính hiện đại, tính thực tiễn, vừa có tính hàn lâm, tính ứng dụng, vừa có năng lực nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với các kỹ năng được xác định trong chuẩn đầu ra. Chương trình đào tạo phải đổi mới theo hướng tiếp cận và kế thừa những mặt tích cực của chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực kế toán, kiểm toán nhằm giúp sinh viên có thể hội nhập và thực hành một cách có hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế. Đặc biệt, để đáp ứng kịp với cuộc CMCN 4.0, phương pháp giảng dạy giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, kỹ năng quản trị con người và trí tuệ cảm xúc.

Hai là, các trường đại học cần phải gắn kết chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế để từng bước đưa vào chương trình đào tạo những nội dung có tính ứng dụng chuyên nghiệp đã được các tổ chức này nghiên cứu, tổng hợp và áp dụng trong quá trình đào tạo các loại chứng chỉ hành nghề được công nhận rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế.

Ba là, các trường đại học cần phối hợp và thông qua các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Câu lạc bộ Kế toán trưởng,... để tạo nên mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế nhằm một mặt giúp người học có điều kiện tiếp cận dễ dàng công việc thực tế tại các doanh nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp, mặt khác với việc tạo ra mối quan hệ này sẽ giúp các trường thường xuyên lắng nghe được từ phía các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng chủ lực những yêu cầu về chất lượng sản phẩm đào tạo được cung cấp cũng như sự thích hợp của chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu về chất lượng được đặt ra.

Bốn là, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên không chỉ là những người có phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, không ngừng cập nhật để kiến thức luôn được đổi mới, có tính hiện đại, đồng thời phải có những am hiểu tình hình thực tiễn của hoạt động chuyên môn để bên cạnh tính hàn lâm còn phải có tính thực tiễn sâu sắc trong nội dung giảng dạy.

Năm là, tăng cường các hoạt động ngoại khoá để phát triển nghề nghiệp cho sinh viên. Các trường cần tăng cường mời các chuyên gia kiểm toán từ cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các doanh nghiệp kiểm toán đến nói chuyện chuyên đề với sinh viên; Giao lưu giữa Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp kiểm toán với sinh viên được tổ chức đều đặn hàng năm. Sự tiếp xúc với các chuyên gia kiểm toán giúp cho sinh viên có được định hướng tốt hơn về nghề nghiệp tương lai, có sự chuẩn bị sớm hơn và tốt hơn cho nghề nghiệp, tiếp cận tốt hơn với công việc kế toán, kiểm toán trong tương lai. Ngoài ra, các trường cần tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế dễ dàng hơn. Đối với sinh viên chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán cần quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ nâng cao hơn nữa so với hiện nay.

ThS. Phan Thị Tuyết Trinh