Phát triển tài chính xanh trong bối cảnh Covid-19

line
11 tháng 09 năm 2023

Trong mười năm qua, tài chính xanh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đối phó với các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là một phương tiện để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng sự chú ý đến tài chính xanh tại các quốc gia phát triển và trở thành một vấn đề quan trọng trong chính sách phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, tài chính xanh vẫn còn là một lĩnh vực khá mới trong nhận thức ở nhiều quốc gia đang phát triển. Bài viết này xem xét chiến lược phát triển tài chính xanh trong bối cảnh COVID-19 ở một số quốc gia và đưa ra những gợi ý cho việc phát triển tài chính xanh tại Việt Nam.

Home | BSc in Sustainable and Green Finance, HKUST

1. Thực trạng phát triển tài chính xanh trong bối cảnh COVID-19
Các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư khu vực tư nhân, ngày càng quan tâm đến tài chính xanh trong những năm gần đây. Theo Global Sustainable Investment Alliance (2018), tổng mức đầu tư bền vững trên toàn cầu đã tăng 34% so với 2 năm trước đó, đạt mức 30,7 nghìn tỷ USD vào đầu năm 2018. Ngoài ra, nghiên cứu của Global Sustainable Investment (2018) cũng cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư tổ chức và đầu tư cá nhân trên toàn cầu đối với việc đưa vào danh mục đầu tư những đánh giá liên quan đến các yếu tố quản trị, môi trường và xã hội (ESG). 
Được coi là đại diện cho quy mô thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh là công cụ nợ để huy động vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường, đồng thời gắn liền với lợi ích xã hội. Sáng kiến trái phiếu Khí hậu (CBI) ước tính đầu tư toàn cầu vào thị trường trái phiếu xanh sẽ đạt 1.000 tỷ USD mỗi năm vào cuối quý IV/2022 (CBI, 2021). Trong khu vực ASEAN, trái phiếu xanh phát hành và cho vay xanh đã tăng gần gấp đôi so với năm 2018, đạt 8,1 tỷ USD với lượng phát hành tích lũy đạt 13,4 tỷ USD vào cuối năm 2019 (CBI, 2021).
2. Kinh nghiệm phát triển tài chính xanh trong bối cảnh COVID-19
2.1. Khuôn khổ pháp lý quy định tiêu chí về công cụ tài chính xanh
Các khuôn khổ cho công cụ tài chính xanh xanh được áp dụng trên thế giới hiện nay:
- Hiệp hội Thị trường quốc tế (ICMA, 2021) tạo dựng các nguyên tắc trái phiếu xanh và gần đây nhất là các nguyên tắc trái phiếu xã hội và nguyên tắc trái phiếu bền vững. Các nguyên tắc này đã trở thành khuôn khổ toàn cầu cho việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững.
- CBI tạo ra “Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh” và “Chứng nhận Trái phiếu Khí hậu” để đánh giá và ưu tiên các khoản đầu tư góp phần giải quyết biến đổi khí hậu (CBI, 2021).
- Liên minh châu Âu (EU) thông qua “Quy định phân loại” cung cấp cho doanh nghiệp một quy chuẩn chung để xác định những hoạt động kinh tế được coi là “bền vững về môi trường” (Erousif, n.d.). Bằng cách khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án xanh và bền vững, quy định này thúc đẩy "Thảo thuận Xanh Châu Âu" và hỗ trợ Châu Âu đạt được mục tiêu carbon trung tính vào năm 2050 (EU Taxonomy, 2020).
- Diễn đàn thị trường vốn ASEAN cũng đã phát triển “Tiêu chuẩn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” phù hợp với “Nguyên tắc trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội” cũng như “Hướng dẫn về trái phiếu bền vững” được đề xuất bởi CBI (ASEAN Capital Markets Forum, 2023).
2.2. Chính sách phát triển tài chính xanh ở nhóm nước phát triển và nhóm nước đang phát triển
a) Nhóm nước phát triển
Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất Thảo thuận Xanh Châu Âu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu và giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính. Các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã đồng ý ký thỏa thuận này và cùng hướng đến mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và trung hòa khí thải vào năm 2050. Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư khu vực tư nhân, Thảo thuận Xanh Châu Âu đặt ra mục tiêu phân bổ 1.000 tỷ euro vào các khoản đầu tư xanh  (European Commission, 2020). 
Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu cũng công bố các gói phục hồi, chương trình thúc đẩy tài chính xanh và tiếp cận nguồn vốn cho các lĩnh vực cụ thể tập trung vào các lĩnh vực phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (Carbon Brief, 2020). Chương trình kích thích phục hồi xanh của Đức là một ví dụ. Đức đã đề xuất một trong những gói kích thích xanh lớn nhất trong lịch sử trị giá 130 tỷ euro vào tháng 6/2020, bao gồm 50 tỷ euro dành cho lĩnh vực khí hậu (Green Recovery Tracker, 2021).
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã thông báo chi tiết về kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng sau đại dịch vào tháng 04/2021. Trong đó, có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng công cộng, xây dựng mạng lưới điện năng lượng sạch và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Để đạt được mục tiêu của Mỹ về việc trung hòa khí thải nhà kính vào năm 2035, các tiêu chuẩn năng lượng sạch và hiệu quả sẽ được thiết lập cho các liên bang trong kế hoạch này (Washington Post, 2020).
b) Nhóm nước đang phát triển
Các nước đang phát triển là đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động nặng nề bở biến đổi khí hậu, vì vậy chính phủ các nước này cần quan tâm nhiều hơn đến các chính sách khuyến khích tài chính xanh và dành nhiều nguồn lực hơn để xây dựng đáp ứng cho nhu cầu phát triển tài chính xanh và bền vững sau COVID-19. 
Vào tháng 5/2020, Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia được đưa ra tại Indonesia (ASEAN Briefing, 2020). Cắt giảm thuế, tăng vốn vào các doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ thanh khoản cho ngành ngân hàng là những chính sách thúc đẩy của chương trình. Indonesia cũng đang xem xét phát hành trái phiếu xanh và xây dựng một nền tảng cho các mục tiêu phát triển bền vững do các tổ chức tài chính chính phủ tài trợ.
Theo Reuters (2020), Thái Lan có 92 dự án sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) vào cơ sở hạ tầng với tổng trị giá 33.39 tỷ USD trong gia đoạn 2020-2027. Ngoài ra, Thái Lan cũng phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh vào tháng 8/2020.
3. Gợi ý cho sự phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
3.1. Thiết lập cơ chế hỗ trợ phát triển thị trường vốn xanh
Để phát triển thị trường vốn xanh, cụ thể là trái phiếu xanh Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, cam kết về việc thực hiện chiến lược phát triển chung của đất nước theo hướng chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Chính phủ cần thiết lập các định hướng chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh và bền vững. Đồng thời, xây dựng chính sách ổn định có cam kết hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp xanh (NIF, 2022). 
Ngoài ra, Chính phủ cần ban hành các văn bản cụ thể quy định các quy tắc liên quan đến việc xác định trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh, cũng như các quy tắc liên quan đến việc phát hành, quản lý và sử dụng tài trợ hình thành từ trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trên cơ sở pháp lý hiện tại. Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho thị trường vốn xanh như ưu đãi thuế, phí, cũng như cơ chế bảo lãnh hỗ trợ cho các ngành/lĩnh vực xanh (NIF, 2022).
3.2. Thực hiện các biện pháp thu hút nguồn vốn xanh
Trước tình trạng nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh là một việc làm cần thiết. Để làm được điều này, Chính phủ cần thực thi các biện pháp hỗ trợ thu hút nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế, có chính sách khuyến khích hệ thống tài chính tài trợ cho phát triển các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính mới hỗ trợ cho một nền kinh tế ít carbon.  
Đối với các dự án có quy mô lớn đòi hỏi có sự hợp tác giữa nhà đầu tư và chính phủ để tối đa hoa lợi ích cho các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn vốn xanh từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế hay các Tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… và các quỹ tài chính xanh quốc tế để tranh thủ nguồn vốn phát triển xanh của các tổ chức này.
3.3. Cải thiện tính minh bạch trong công bố thông tin 
Tại Việt Nam, sự thiếu hụt thông tin về các rủi ro môi trường và khí thải nhà kính là một điều khiến các nhà đầu tư e ngại khi tham gia vào thị trường tài chính xanh. Các doanh nghiệp tại Việt Nam cần cởi mở hơn trong việc công bố các thông tin hướng tới sự phát triển bền vững bên cạnh các thông tin tài chính như mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh, các chương trình hành động doanh nghiệp đã và đang thực hiện để giải quyết các vấn đề trên, các kết quả đã đạt được và các thông số ESG.
Để cải thiện tính minh bạc cho thị trường tài chính xanh Việt Nam cũng như thu hút các nguồn lực cho thị trường này, Chính phủ và các ngành liên quan cần xây dựng nền tảng thu thập số liệu và công bố các dữ liệu thu thập được thường xuyên liên tục (theo quý, theo năm), cải thiện các chính sách công bố thông tin về lượng khí thải nhà kính và các thông số ESG ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đồng thời cần hỗ trợ phát triển và tiêu chuẩn hóa các yêu cầu báo cáo an toàn và các chỉ số xanh trong báo cáo tài chính hàng năm của các doanh nghiệp. 
Khi các doanh nghiệp được yêu cầu phải công bố các thông số ESG, những nhà đầu tư trong thị trường và Chính phủ sẽ nhận được những thông tin hữu ích hơn ở mặt định lượng và chất lượng. Thông qua đó, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân sẽ có đánh giá đầy đủ hơn về rủi ro của doanh nghiệp tạo ra động lực thúc đẩy các quyết định đầu tư, cho vay vào ngành công nghiệp xanh.
4. Kết luận
Phát triển nền kinh tế xanh hướng đến phát triển bền vững hậu đại dịch COVID-19 là lựa chọn tối ưu mà các quốc gia trên thế giới đã lựa chọn, trong đó có Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, tài chính xanh là một giải pháp tất yếu, tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn khá mới tại Việt Nam. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm từ các nước là điều cấp thiết để thúc đẩy tài chính xanh và tiếp cận các nguồn vốn cho lĩnh vực xanh, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

ThS. Trần Ái Tiên