Vai trò của các ứng dụng Fintech trong việc nâng cao hiểu biết tài chính

line
14 tháng 06 năm 2023

Trong bối cảnh công nghệ tài chính (FinTech) đang cách mạng hóa ngành dịch vụ tài chính với tốc độ nhanh chóng, người tiêu dùng cần được giáo dục về kiến thức về tài chính và những kỹ năng cần thiết để thu thập thông tin và hành động trong môi trường số phức tạp. Trong khi đã có những nghiên cứu chứng minh hiểu biết tài chính có tác động tích cực đến nhận thức và việc sử dụng các ứng dụng Fintech, nhưng cũng có nhiều nhận định cho rằng việc sử dụng các ứng dụng Fintech cũng có những ảnh hưởng tích cực đến hiểu biết tài chính của người dùng thông qua các công cụ và các nội dung giáo dục tài chính được tích hợp trong các ứng dụng. Điều này mở ra một hướng nghiên cứu mới về sự tương quan hai chiều giữa hiểu biết tài chính và việc sử dụng các ứng dụng Fintech.

1.Tổng quan về Fintech và các ứng dụng Fintech
Thuật ngữ Fintech bắt đầu xuất hiện kể từ khi cuộc cách mạng số bùng nổ và không ngừng phát triển. Ban đầu Fintech là một thuật ngữ để nói về khía cạnh kỹ thuật hay công nghệ máy tính mà một tổ chức tài chính, ngân hàng ứng dụng trong quá trình cung ứng dịch vụ của mình. Nhưng sau đó, khái niệm Fintech đề cập đến bất kỳ sự đổi mới công nghệ nào trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả những tiến bộ về hiểu biết tài chính, tư vấn và giáo dục, cũng như hợp lý hóa việc quản lý tài sản, vay và cho vay, ngân hàng bán lẻ, huy động vốn, thanh toán/chuyển tiền, quản lý đầu tư và hơn thế nữa (Morgan và Trinh, 2020)
Vài năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến sự xâm nhập mạnh mẽ của các công ty công nghệ vào thị trường tài chính. Thay vì trước đây họ tập trung vào việc cung cấp dịch vụ cho các công ty tài chính và các ngân hàng, bây giờ họ còn cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng. Vì vậy, Fintech cũng có thể được hiểu như hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ vốn có lợi thế về trình độ công nghệ, chuyên nghiên cứu và phát triển các giải pháp phần mềm để hỗ trợ hoặc cung ứng trực tiếp các dịch vụ tài chính thay thế cho dịch vụ ngân hàng truyền thống với những tính năng tiện lợi, nhanh chóng và chi phí thấp (Nguyễn Kim Anh và cộng sự, 2018). Những dich vụ tài chính thay thế này còn được gọi là dịch vụ tài chính số (Digital Financial Services - DFS)

Hình 1. Bản đồ các công ty Fintech tại Việt Nam năm 2022
(Nguồn: HyperLead, 2022)

Các loại DFS được cung cấp bởi các công ty Fintech rất đa dạng, từ các dịch vụ thanh toán/chuyển khoản, tài chính cá nhân, tài chính thay thế và các dịch vụ khác. Theo khảo sát của HyperLead (một nền tảng tiếp thị liên kết hàng đầu Việt Nam chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực Tài Chính – Ngân Hàng – Fintech), số lượng các công ty Fintech đã tăng gần 13%, từ 156 công ty năm 2021 lên 176 công ty trong năm 2022. Trong đó, thanh toán vẫn là phân khúc sôi động nhất với 40 công ty, chiếm 22,6% số lượng công ty Fintech tại Việt Nam, tiếp đến là cho vay cá nhân, Blockchain/Tiền điện tử, quản lý tài sản và quản lý bán hàng.

2. Ảnh hưởng của các ứng dụng Fintech đến hiểu biết tài chính
Công nghệ số cũng có tiềm năng to lớn đóng vai trò then chốt trong giáo dục tài chính và nâng cao hiểu biết về tài chính (Davis & Hasler, 2021). Các công ty Fintech đang sử dụng công nghệ để tạo ra các công cụ dễ sử dụng nhằm quản lý tài chính cá nhân và đơn giản hóa quy trình lập kế hoạch tài chính. Bằng cách sử dụng các ứng dụng Fintech, người tiêu dùng có thể kiểm soát tốt hơn tình trạng tài chính của họ bởi Các ứng dụng này giúp người dùng quản lý ngân sách và tiết kiệm tiền một cách thông minh. Ngoài ra, nhiều nền tảng còn cung cấp tài nguyên và nội dung giáo dục tài chính để giúp người dùng nâng cao kiến thức và hiểu biết về tài chính của họ. Nói cách khác, những công nghệ này đang giúp mọi người xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho tài chính của họ bằng cách cung cấp các công cụ và kiến thức tài chính cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt về tiền của họ (Panos và Wilson, 2020). 
Trong nghiên cứu của French và cộng sự (2020) ở Bắc Ireland (thuộc Anh), các tác giả đánh giá liệu các ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể được sử dụng để cải thiện khả năng tài chính mong muốn hay không. Các tác giả cung cấp bốn ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, bao gồm: một ứng dụng so sánh lãi suất cho vay, một ứng dụng so sánh chi tiêu, một ứng dụng lịch tiền mặt, và một ứng dụng quản lý nợ. Trong một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, các tác giả nhận thấy những cải thiện đáng kể về kiến thức tài chính, hiểu biết và kỹ năng cơ bản cũng như thái độ và động cơ cho nhóm cá nhân đã sử dụng ứng dụng. Những người sử dụng ứng dụng có nhiều khả năng theo dõi thu nhập và chi tiêu của họ hơn và tỏ ra kiên cường hơn khi đối mặt với cú sốc tài chính.
Ở Việt Nam, ví điện tử là một trong những ứng dụng Fintech phổ biến nhất hiện nay. Nó được biết đến là ứng dụng lưu trữ tiền tệ (có thể bao gồm tiền kỹ thuật số) và thông tin thanh toán trên các thiết bị di động. Với chức năng lưu trữ, ví điện tử thường được tích hợp vào tài khoản thanh toán trực tuyến của người dùng. Ngoài việc thanh toán các chi phí hàng ngày, ví điện tử còn cung cấp nhiều tính năng giúp người dùng học các kiến thức tài chính. Ví điện tử có thể cung cấp thông tin tài chính về chi tiêu hàng tháng, tiết kiệm và đầu tư giúp người dùng kiểm soát được chi tiêu, từ đó học được cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Nhiều ví điện tử còn tích hợp các khóa học tài chính để giúp người dùng hiểu rõ hơn về các khái niệm và các sản phẩm tài chính. Đào Mỹ Hằng và cộng sự (2022) cho rằng có thể tận dụng được sự phổ biến sẵn có của ví điện tử giúp đưa các kiến thức tài chính ngân hàng đến mọi đối tượng dân cư, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế.

Hình 2. Điểm số hiểu biết tài chính của những người đã sử dụng và những người không sử dụng Fintech tại Việt Nam
(Nguồn: Morgan và Trịnh, 2020)

Theo nghiên cứu của Morgan và Trịnh (2020), có một mối quan hệ tích cực giữa việc sử dụng các ứng dụng Fintech và điểm hiểu biết tài chính (hình 3). Cụ thể, những người sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán điện tử có điểm số hiểu biết tài chính là 5,1. Trong khi đó, những người sử dụng chuyển tiền điện tử có điểm số hiểu biết tài chính là 4,9. Những đối tượng không sử dụng các ứng dụng Fintech có mức độ hiểu biết thấp hơn đáng kể ở mức 4,3 và 4,4 điểm.
3. Kết luận
Qua các tài liệu nghiên cứu, chúng ta thấy rằng các ứng dụng Fintech giữ một vai trò nhất định trong việc mang những kiến thức tài chính đến với người dùng, góp phần nâng cao hiểu biết của họ cũng như định hình hành vi tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư của họ. Từ thanh toán di động, tư vấn tự động, nền tảng đầu tư dựa trên ứng dụng, đến các giải pháp ngân hàng trực tuyến, sự phát triển của FinTech đã tác động đến việc lập kế hoạch tài chính, thịnh vượng tài chính và bất bình đẳng kinh tế (Frame và cộng sự, 2019). Điều này hàm ý rằng sự phát triển của Fintech cũng có đóng góp tích cực trong việc giáo dục tài chính và nâng cao hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có bằng chứng thực nghiệm nào chứng minh mối quan hệ đảo ngược này. Các nghiên cứu trong tương lai có thể phát triển theo hướng nghiên cứu này để đánh giá chính xác và khách quan hơn về những ảnh hưởng của các ứng dụng Fintech đến hiểu biết tài chính của người dùng.

ThS. Trần Lương Mộng Trinh