Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam

line
18 tháng 10 năm 2023

Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) diễn ra vô cùng mạnh mẽ, đa dạng trên tất cả các nền tảng từ Website, Facebook, Tiktok, Zalo, v.v cho đến các sàn giao dịch TMĐTphổ biến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Adayroi v.v. Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có hơn 70% dân số dùng internet, trong đó có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, 72 triệu người dùng mạng xã hội, tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến. Sự bùng nổ của sàn giao dịch TMĐT giúp cho việc mua sắm của người tiêu dùng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Trong bối cảnh này, các quy định pháp luật về trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào hoạt động TMĐT nói chung và các sàn giao dịch TMĐT nói riêng đang được quan tâm nhiều hơn.

Thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu

1. Các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 5 Điều 24 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, các chủ thể tham gia vào hoạt động TMĐT bao gồm:
- Thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập website TMĐT để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng).
- Các thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ (thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử).
- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán).
- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (khách hàng).
- Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử.
- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.
Như vậy, thương nhân cung cấp dịch vụ logistics nói chung và vận chuyển hàng hóa giao dịch qua sàn thương mại điện tử nói riêng chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.
2. Quy định pháp luật Việt Nam về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT
Khi tham gia vào sàn giao dịch TMĐT, người bán sẽ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình và người mua sẽ tiến hành chọn lựa những sản phẩm, nhà bán hàng v.v. phù hợp với nhu cầu. Hoạt động mua bán trực tuyến này cũng đòi hỏi giữa hai bên phải có những quyền và nghĩa vụ đối ứng với nhau. Tuy nhiên, đặt trong mối tương quan giữa hai bên chủ thể thì người mua là đối tượng có khả năng chịu nhiều thiệt thòi hơn khi xảy ra những rủi ro trong quá trình giao dịch. Vì vậy, việc quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT là cần thiết và phù hợp với chủ trương, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nước ta hiện nay.
Người bán khi tham gia kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT cần đảm bảo hoàn thành các nghĩa vụ được quy định tại Điều 32 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin theo quy định gồm: Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân; Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế của cá nhân; Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
Thứ hai, cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ như thông tin về giá cả; Thông tin về điều kiện giao dịch chung; Thông tin về vận chuyển và giao nhận; Thông tin về các phương thức thanh toán khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Trong đó, liên quan đến “thông tin về điều kiện giao dịch chung”, bao gồm: 
- Các điều kiện hoặc hạn chế trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, như giới hạn về thời gian hay phạm vi địa lý, nếu có;
- Chính sách kiểm hàng, chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này; (khoản 13 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử)
- Chính sách bảo hành sản phẩm, nếu có;
- Các tiêu chuẩn dịch vụ, quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí và các điều khoản khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, bao gồm cả những điều kiện và hạn chế nếu có;
- Nghĩa vụ của người bán và nghĩa vụ của khách hàng trong mỗi giao dịch.
Một điểm mới đáng lưu ý, từ ngày 01/01/2022, chính sách kiểm hàng sẽ được xem là một trong những điều kiện giao dịch chung bắt buộc mà thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố trên website thương mại điện tử và đây cũng là một trong những nghĩa vụ của người bán trên sàn giao dịch TMĐT. Hoạt động kiểm hàng khi nhận hàng này thường được gọi với thuật ngữ “đồng kiểm”. Theo đó, người mua thực hiện đồng kiểm (kiểm tra hàng hóa) khi nhận hàng hoặc trước khi thanh toán (đối với giao dịch chọn phương thức thanh toán khi nhận hàng). Hoạt động này được thực hiện giữa người giao hàng và người mua. Chính sách “đồng kiểm” này giúp bảo vệ tối ưu quyền lợi của người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, giúp người mua có thể từ chối ngay từ đầu những hàng hóa không đúng như mô tả, kém chất lượng v.v. Tại Việt Nam, sàn giao dịch TMĐT Shopee hiện nay cũng đã áp dụng chính sách đồng kiểm, tuy nhiên, việc đồng kiểm này chỉ áp dụng đối với một số đơn hàng nhất định và chỉ cho phép người mua được kiểm tra về ngoại quan và số lượng sản phẩm trong đơn hàng, người mua không được phép kiểm tra về chất lượng của sản phẩm (không thử quần áo, không mở seal niêm phong các loại hàng hóa như mỹ phẩm…) 
Thứ ba, đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch TMĐT. Người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ (như về kiểu dáng, kích thước, trọng lượng, màu sắc v.v.) nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
Thứ tư, thực hiện đúng các quy định về “giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử” khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch TMĐT (về đề nghị giao kết hợp đồng, rà soát và xác nhận nội dung hợp đồng, chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng v.v.)
Thứ năm, cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
Thứ sáu, tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Theo đó, người bán không được giới thiệu, rao bán trên sàn giao dịch TMĐT những hàng hóa là hàng giả, hàng nhái, hàng hóa bị cấm kinh doanh; không quảng cáo bằng những nội dung, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục…
Thứ bảy, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Theo Điều 4 Thông tư số 40/2021/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính thuế thì bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa. Tỷ lệ thuế GTGT là 1%, tỷ lệ thuế TNCN là 0,5% quy định tại Phụ luc I Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Như vậy, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNCN nếu có doanh thu từ bán hàng online > 100 triệu đồng/năm.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp lý về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT
Thứ nhất, như đã đề cập bên trên, chính sách kiểm hàng là một quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, chính sách này chưa được áp dụng một cách đồng bộ giữa các sàn giao dịch TMĐT. Điển hình như sàn giao dịch TMĐT Shopee chỉ cho đồng kiểm đối với một số sản phẩm của một số gian hàng nhất định; sàn giao dịch TMĐT Lazada thì không áp dụng chính sách đồng kiểm này… Thực sự, việc nhận một hàng hóa mà không được kiểm tra trước khi nhận hàng có khả năng gây nên những thiệt hại cho người mua nếu hàng hóa đó là hàng kém chất lượng, không đúng như mô tả, hoặc không đúng số lượng, hoặc giao sai hàng. Vì lẽ đó, tất cả các sàn giao dịch TMĐT cần phải áp dụng chính sách cho phép người mua được kiểm tra hàng hóa theo đúng quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.
Thứ hai, về trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin của người bán trên các sàn giao dịch TMĐT theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Hiện nay, một số sàn giao dịch TMĐT chỉ yêu cầu người bán cung cấp họ tên, địa chỉ, email, số điện thoại hoặc số căn cước công dân. Theo đó, sàn giao dịch TMĐT không nắm giữ được các thông tin mang tính xác minh về nhân thân của người bán theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định 52/3013/NĐ-CP. Thực chất, sự nới lỏng trong cơ chế quản lý thông tin của người bán một mặt giúp sàn giao dịch TMĐT dễ dàng thu hút sự tham gia của các cá nhân, tổ chức đang tìm kiếm kênh phân phối nhưng mặt khác sẽ rất khó ràng buộc và truy cứu trách nhiệm của người bán khi có hành vi vi phạm hoặc khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy, các sàn giao dịch TMĐT phải yêu cầu và có sự rà soát khi người bán thực hiện việc cung cấp thông tin của họ, nghĩa là khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin thì mới cấp quyền cho họ tham gia hoạt động trên sàn giao dịch TMĐT.
Thứ ba, về vấn đề quảng cáo trên sàn giao dịch TMĐT. Không khó để nhận thấy, trên các sàn giao dịch TMĐT hiện nay tồn tại rất nhiều các hình ảnh, video quảng cáo phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Không những thế, khi truy cập một vài ứng dụng mua sắm trực tuyến được quảng cáo trên nền tảng Facebook thì các hình ảnh quảng cáo phản cảm cũng xuất hiện trên dòng thời gian của người dùng mạng xã hội. Những hoạt động về quảng cáo thương mại trực tuyến hiện nay không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Quảng cáo 2012, Luật Thương mại 2005, Luật An ninh mạng 2018, mà còn chịu sự điều chỉnh của những luật chuyên ngành có liên quan. Dù đã có rất nhiều quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề nói trên, nhưng thực tế những quảng cáo vi phạm vẫn xuất hiện tràn lan trên các sàn giao dịch TMĐT. Vì lẽ đó, để hạn chế mặt tiêu cực đang tồn tại này, các cơ quan chức năng cũng cần gia tăng kiểm soát và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; đồng thời, các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT cần có những biện pháp xử lý phù hợp như gỡ bỏ bài đăng có quảng cáo vi phạm, phạt tiền, tạm dừng kinh doanh gian hàng trong một thời gian nhất định, v.v.

ThS. Nguyễn Thuận An